THỬ AMBER THẬT HAY GIẢ

Các phương pháp thử đều dựa trên thuộc tính của Amber, chứ ko phải loại đá nào cũng mang ra chiếu đèn UV rồi thử hóa chất, rồi đốt, rồi hư hết đá. Rồi thấy thiên hạ đeo đá, cũng mang về đeo, rồi hư hết người (haha, tốt người thì xấu ta, mà tốt ta thì có thể xấu người). Căn bản có 2 loại thử : thử dựa trên trực quan và thử dựa trên máy móc công cụ hiện đại.
Dựa trên trực quan có các loại sau :

1. Kiểm tra khả năng nổi dựa vào trọng lượng riêng ( Floating Test) : Do trọng lượng riêng của amber cao hơn nước ngọt ( 1.05 – 1.1g/cm3) nên amber nặng hơn và sẽ chìm trong nước ngọt, nhưng em ấy sẽ nổi trong nước muối saturated ( bão hòa là khuấy cho tan muối ra ko còn cặn muối nha, và ko thể hòa tan được nữa). Thử floating test trong nước muối thì chỉ thử amber miếng nguyên thủy ko chắp vá lắp rắp, chứ đã đem bọc vàng, bọc bạc rồi kim loại tá lả thì nó chìm cũng dễ hiểu thôi. Dung dịch test thì KHOẢNG là 1 phần muối – 2 phần nước ( nên dùng khái niệm bão hòa là chính xác nhất). Floating test thì chỉ loại được một số loại giả siêu cấp vô địch có trọng lượng riêng nặng hơn như nhựa, thủy tinh ; còn Copal ( nhựa cây chưa đủ tuổi hóa thạch) thì thua, chênh lệch cực kì ít để có thể phân biệt.

2. Thử khả năng tích điện : các loại đá đặc biệt đều có khả năng tích năng lượng. Chà xát mạnh amber lên vải, len, lụa sau đó để gần các mảnh giấy vụn cực nhỏ hoặc bụi, cách khoảng 1cm, các mảnh này sẽ có xu hướng bị hút về amber và bám vào bề mặt. Mà lấy viên amber bé tí tí rồi cho hút tờ giấy to bằng cái mặt thì cũng ko hút được ạ.

3. Phân biệt bằng mùi : Chà xát amber bằng tay đến khi amber hơi ấm lên thì sẽ có mùi thơm nhựa thông nhẹ, Copal thì sẽ có cảm giác hơi mềm mềm và bề mặt thì hơi dính dính, còn nhựa và hóa chất tổng hợp thì ra mùi rất là Kim Biên ( nhựa thông hịn thì nên có cảm giác dễ chịu, thư thái ).

4. Thử bằng cách nếm : Amber xịn thường ko có vị gì cả, sau khi rửa kĩ bằng nước ( ăn chín uống sôi ) thì đem lên nếm thử coi có vị gì ko, có vị Kim Biên thì thôi. Thua. Bỏ. Hãy mạnh dạn bỏ như bỏ 17 tấn sầu riêng ngâm hóa chất đi.

5. Thử bằng cách chạm ( Touch Test) : Amber chạm vào sẽ có cảm giác ấm, khác với cảm giác lạnh lạnh như thủy tinh, cầm trong lòng bàn tay một lúc sẽ có cảm giác huyệt Lao Cung có hơi ấm từ viên amber ( đây là cách thử rất tinh tế đối với một viên đá sống, cần luyện tập mới ko bị tự kỷ ám thị).Độ bóng của amber là loại độ bóng của bơ khi các bạn chụp ảnh đồ ăn, một loại độ bóng nhìn “béo béo kiểu bơ sữa” chứ ko có bóng đến mức contraluz sáng trưng long lanh.Amber là loại vô định hình nên khả năng thấu sáng của nó ko cao, đừng so với kim cương hay ngọc lục bảo .Sáng chóa hoặc ánh lên thường là đồ gia nhiệt có xử lý rồi.

6. Thử độ cứng : Amber có độ cứng nằm giữa 2 và 3, tầm 2.5 theo thang Mohs nên khi..cào bằng móng tay thì nó ko có xước. Mà cào thì cào len lén mặt xấu xấu, chứ chủ tiệm họ đánh thì thôi rồi làng nước ơi. Cách này loại bỏ được Copal với độ cứng khoảng 1.5 Mohs. Còn nhựa và thủy tinh thì chỉ có xước tay và/hoặc xước mặt mình.

7. Thử bằng cách làm trầy ( Scratching test) : lại một kiểu test dễ bị hội đồng, test bằng cách lấy đồ nhọn như dao hoặc kim để làm trầy viên amber, khi đó đồ xịn sẽ hình thành các mảnh vụn nhỏ và các chips nhỏ ( nhựa tổng hợp thì ko bị vỡ ra, mà thủy tinh thì cũng rất khó làm trầy với đồ nhọn). Thông thường với các loại chuỗi có hạt, thì người ta hay thử cách này bên trong các lỗ xỏ, vừa để tránh hội đồng, vừa để tránh làm hư viên đá.

8. Thử bằng kim nóng : thường thì đây là cách người ta hay khuyên làm nhất, là đầu kim ( kim khâu ) được gia nhiệt bởi bật lửa hoặc diêm ( cắm kim vào miếng nút chai hoặc ..carrot để tránh nóng ), sau khi nóng đỏ lên thì cắm vào viên đá. Hổ phách xịn thì kim ko dễ dàng cắm xuyên qua đâu, và nó có mùi thông rất dễ chịu; còn nhựa hoặc copal thì nó bèo nhèo ra dễ hơn và có mùi hóa chất, chỗ đâm kim vào cũng có dấu đen.ư

9. Thử điểm nóng chảy : Căn bản là đem nung các vật mẫu ở một nhiệt độ nóng chảy nhất định để biết hàng thật hay giả. Amber thì nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 300oC, nhiệt độ mềm khoảng 150oC. Đồ xịn chỉ bị mềm ra, và hổ phách nóng chảy ko có nghĩa là nó thành chất lỏng bèo nhèo, mà nó chỉ bị nhão ra như kiểu súp cua nấu hơi ít bột năng thôi. Còn nhựa tổng hợp thì nó lỏng ra hẳn, Copal thì nhiệt độ thấp hơn đã nóng chảy ra rồi. Mùi thì phân biệt bằng Tom Ford private blend và nước xịt phòng.

10. Thử bằng dung môi : Amber thật tương đối chì đối với dung môi. Có thể test bằng aceton ( đồ tẩy móng tay) bằng cách đặt 1 giọt aceton lên vật mẫu ( hoặc rượu ethyl 95%), amber thật thì ko bị hòa tan thậm chí ko dính dính trên bề mặt. Nhựa thì bị hòa tan bởi aceton, copal thì bị tiêu luôn bởi ethyl hoặc aceton, thủy tinh thì là trùm cuối ko hề bị ảnh hưởng nên cách này ko thử được thủy tinh giả amber nhé.

11. Thử bằng huỳnh quang : cách này chỉ hay dùng cho hổ phách xanh Dominican, vì nó có xu hướng phát sáng khi bị chiếu đèn UV, nhưng đối với các loại khác thì ko rõ ràng, vì độ phát sáng của amber phụ thuộc vào bước sóng cụ thể của ánh sáng. Các bề mặt bị vỡ tự nhiên hoặc được đánh bóng ( polished window) thì sẽ phát sáng nhiều hơn bề mặt bị phong hóa ( nên thử đồ tự nhiên toàn vết phong hóa thì thua). Thử với các thiết bị chuyên nghiệp thì ko đề cập đến ở đây vì rất phức tạp, nôm na là bao gồm đo chỉ số khúc xạ, kiểm tra ánh sáng phân cực, đèn điếc quang học hồng ngoại tá lả, nên xin kiếu.

♡♡♡Đa phần các phép thử amber nói trên chỉ thực hiện được khi bạn cầm được viên đá trong tay , còn nếu muốn sở hữu được đá chất lượng cao và tham gia bidding đấu giá để lấy các viên trùm cuối, thì phải có khả năng cảm nhận năng lượng đá, khả năng nhìn nhận cảm xúc -cảm giác của bản thân khi tiếp xúc với đá, khả năng nhận định mùi-vị-sắc của vật mẫu từ xa. Khi đó, kiến thức sẽ củng cố nhưng độ chính xác của cảm quan sẽ quyết định level dũng khí móc tiền ra bidding mà ko sợ hàng rởm. Giấy giám định hả ? họ in cho một ghe. Thời buổi gạo còn làm giả được, tay phải đếm tiền- tay trái còn đếm lại thì hên xui lắm

Tags: , , , , , , , , ,

Bài viết trước đó AMBER CÓ XỬ LÝ